Nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Bên hành lang Quốc hội phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi riêng với ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về những giải pháp phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thưa ông! Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế nước ta ước thực hiện cả năm dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, ông có đánh giá gì về nền kinh tế của đất nước trong năm nay?
Như chúng ta đã thấy, vào thời điểm Quý III/2021, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế nước ta sụt giảm tăng trưởng âm 6,17%, đây là mức âm sâu nhất trong những năm gần đây, nhưng chúng ta tin rằng sự sụt giảm đó chỉ là nhất thời. Chúng ta sẽ có khả năng lấy lại được đà tăng trưởng và sẽ đảo chiều vào cuối năm cũng như trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tôi hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó, bởi lẽ với mức độ bao phủ của vaccine phòng COVID-19 như hiện nay, sự phản ứng kịp thời về chiến lược phòng, chống dịch, với biện pháp về mở cửa thị trường, khởi động trở lại để nền kinh tế và các doanh nghiệp quay trở lại.
Có thể nói rằng mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng chúng ta đã duy trì khá tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, nợ công và bội chi ngân sách dưới mức trần mà Quốc hội cho phép. Tháng 9 vừa qua chúng ta cũng đã chứng kiến sự quay trở lại của xu hướng xuất siêu và cũng đang có tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ và Quốc hội cũng đang cố gắng đưa ra những gói kích thích kinh tế mới. Tiếp tục yểm trợ cho doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội và thúc đẩy những nỗ lực cải cách hành chính, lấy lại đà tăng trưởng. Thành quả đó trước hết là những nỗ lực của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng như của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp hết sức nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ.
Có thể thấy, trong thời gian qua không chỉ là những đề xuất, những sáng kiến từ phía Chính phủ, mà Quốc hội cũng đưa ra những giải pháp để trao đổi, phối hợp với Chính phủ có sự đồng điệu, kịp thời; vừa phòng, chống dịch bệnh vừa tái khởi động mở cửa nền kinh tế. Đó là điểm sáng rất quan trọng.
Vậy để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sản xuất của các doanh nghiệp, ông có đề suất gì?
Hiện nay, chúng ta đang trong đà phục hồi của nền kinh tế, mặc dù các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính phủ, Quốc hội cũng đang tiếp tục đưa ra các gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội. Mặc dù vậy, tôi vẫn đề suất cần phải có một gói hỗ trợ với quy mô bao phủ lớn hơn, liều lượng cao hơn; đặc biệt, phải triển khai một cách nhanh hơn để trợ sức cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, dư địa của các chính sách tiền tệ không còn nhiều. Vừa rồi các ngân hàng đã cố gắng cấp vốn cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn hoãn các khoản nợ... để doanh nghiệp gắng gượng sản xuất, kinh doanh.
Các cụ xưa có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", một đồng đưa ra hôm nay có thể có giá trị hơn 10 đồng sau một tuần, một tháng nữa. Bây giờ chúng ta đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế, bởi doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn. Cho nên chắc chắn gói giải pháp hỗ trợ nền kinh tế về mặt tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội phải có quy mô lớn hơn, diện bao phủ rộng hơn và thực hiện với tốc độ "thần tốc" hơn để có thể giải cứu, hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Chúng ta đang đứng trước sức ép của nợ xấu có khả năng tăng lên, áp lực lạm phát tăng và khả năng hấp thụ vốn của một bộ phận doanh nghiệp vẫn đang rất yếu. Cho nên giải pháp then chốt là phải phát huy hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa, làm sao tích hợp, cộng hưởng được chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Muốn mở rộng được cho vay, hạ lãi suất cho vay thì ngân sách nhà nước phải dành một quỹ rất lớn thực hiện bảo lãnh tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng. Đồng thời cũng phải đầu tư cho quỹ bù lãi suất để yểm trợ cho ngân hàng hạ lãi suất. Đây là hai cánh tay của ngân sách nhà nước hậu thuẫn cho hệ thống ngân hàng, nếu chỉ riêng hệ thống ngân hàng thực hiện biện pháp cấp vốn cho nền kinh tế sẽ rất khó khăn.
Là đại biểu Quốc hội, qua theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu đã có hiến kế gì cho Quốc hội, Chính phủ để có kế sách lâu dài phát triển nền kinh tế, thưa ông?
Tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình tại địa phương và bộ, ngành đã đưa ra những sáng kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để từng bước gỡ khó, phát triển nền kinh tế nước nhà. Tôi cho rằng, đó là những đóng góp rất là quý giá của đại biểu Quốc hội.
Qua theo dõi, tôi thấy cách làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ gần đây với tần suất, chất lượng cao hơn rất nhiều. Bàn thảo những chiến lược và lộ trình khôi phục phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Có lẽ thành công rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đó chính là việc đã thống nhất nhận thức, chuyển trạng thái trong phòng, chống dịch bệnh và quyết định mở cửa nền kinh tế. Việc Quốc hội có Nghị quyết 30 và Chính phủ ra Nghị quyết 128 về phòng, chống dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế là những quyết sách rất quan trọng. Các Nghị quyết này là “cẩm nang” hướng dẫn cho các địa phương, các bộ, ngành mở cửa một cách đồng loạt, hình thành nên khung khổ cho việc mở cửa nền kinh tế.
Tôi nghĩ Chính phủ cần chuẩn bị sớm để trình Quốc hội ban hành một chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế và phải có những chính sách đặc biệt. Chính sách tài khóa tiền tệ trong bối cảnh hiện nay không chỉ nhằm để giải cứu doanh nghiệp mà còn phải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và các doanh nghiệp. Bởi vì quá trình hồi phục nền kinh tế không phải là quá trình trở lại như ngày hôm qua mà phải bắt đầu một diện mạo mới trong nền kinh tế, tái cấu trúc lại nền kinh tế ngay trong quá trình hồi phục chứ không phải khôi phục xong mới bắt đầu tái cấu trúc.
Cho nên đề án tái cấu trúc cũng cần được Quốc hội thông qua sớm để định hướng định hình cho quá trình hồi phục nền kinh tế.
Hiện nay, Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, nhưng quan trọng nhất, đặc biệt nhất cần triển khai, đó là cần có một cơ chế đặc biệt đặc thù về thể chế, thủ tục hành chính cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong hai năm tới và giai đoạn phục hồi. Trong giai đoạn này cần phải đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; chuyển hầu hết các hoạt động sang hậu kiểm chứ không phải là tiền kiếm để khôi phục kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét