Tư Vấn Giải Pháp Đầu Tư Bất Động Sản - HOTLINE PKD: 034.35.36.468

Làm rõ hơn tính chất “đô thị sân bay” của đô thị mới Cam Lâm

Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm định hướng phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Ngày 25/9, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế

Theo dự thảo Quy hoạch, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích tự nhiên khoảng 56.021,9 ha (gồm 14 đơn vị hành chính: thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây, xã Cam Thành Bắc, xã Cam Hải Đông, xã Cam Hoà, xã Suối Tân, xã Cam Tân, xã Sơn Tân, xã Cam Hiệp Bắc, xã Cam Hiệp Nam, xã Cam An Bắc, xã Cam An Nam, xã Cam Phước Tây và xã Suối Cát).

Giới hạn cụ thể như sau: Phía Bắc giáp huyện Diên Khánh và TP Nha Trang; phía Nam giáp TP Cam Ranh; phía Đông giáp biển Đông, huyện đảo Trường Sa; phía Tây giáp huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Thời hạn lập quy hoạch: đến năm 2045

Về tính chất đô thị, Cam Lâm được định hướng là đô thị sân bay tầm quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế.

Đây cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực; tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại - dịch vụ, giáo dục đào tạo, các viện nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ cao; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của tỉnh Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, Cam Lâm còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; là đô thị phát triển bền vững, tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch dự báo dân số đến năm 2030: 320.000 người; trong đó dân số chính thức khoảng 190.000-200.000 người, dân số quy đổi khoảng 120.000 -130.000 người. Đến năm 2045, dân số khoảng 770.000 người; trong đó dân số chính thức khoảng 520.000-550.000 người, dân số quy đổi khoảng 220.000 -250.000 người.

Định hướng phát triển không gian theo 4 khu vực, 7 phân khu  

Phân khu chức năng khu đô thị mới Cam Lâm. Ảnh: internet

Định hướng phát triển không gian đô thị mới Cam Lâm được chia ra 4 khu vực:

Khu vực 1: khu vực đồng bằng trung tâm, hai bên đầm Thủy Triều. Gồm thị trấn Cam Đức, các xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, phía Nam xã Cam Hoà và phía Đông các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc và Cam An Nam.

Hình thành và phát triển các dịch vụ thương mại - du lịch, đô thị cao cấp, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết nối đa dạng kết hợp giữa không gian ở mật độ thấp và các không gian đô thị nén nổi trội với chức năng ở đô thị, chức năng hỗn hợp.

Khu vực 2: khu vực phía Bắc. Gồm phần phía Bắc của các xã Cam Tân, Cam Hòa và phần phía Đông của các xã Suối Tân, Suối Cát. Định hướng phát triển khu đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp - logistic, dịch vụ du lịch.

Khu vực 3: khu vực núi đồi phía Tây. Bao gồm các xã Sơn Tân, Cam Phước Tây và phần phía Tây của các xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc và Cam An Nam.

Khu vực hoàn toàn là đồi núi, với thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và du lịch sinh thái nghỉ mát, thể thao leo núi.

Khu vực 4: khu vực Bãi Dài. Bao gồm xã Cam Hải Đông, có tầm nhìn đẹp, về biển và vịnh cũng như về hướng núi Cù Hin; có bờ cát dài thích hợp cho các hoạt động du lịch.   

Quy hoạch cũng định hướng các phân khu chức năng như sau:

Phân khu 1: Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Tính chất là khu đô thị dịch vụ, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại, hội thảo du lịch vùng quốc gia và quốc tế.

Phân khu 2: Phân khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp. Tính chất là khu đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp - logistic.

Phân khu 3: Phân khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Tính chất là không gian chức năng dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf, các loại hình công viên chuyên đề... và đô thị theo các cấu trúc tập trung kết hợp mặt nước lớn để nối kết các không gian.

Phân khu 4: Phân khu đô thị Trung tâm, có quy mô khoảng 5.699 ha.  Tính chất là trung tâm tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu, kết hợp giữa không gian ở mật độ thấp và các không gian đô thị nén nổi trội với chức năng ở đô thị, chức năng hỗn hợp.

Phân khu 5: Phân khu dân cư, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Tính chất là khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang, khu canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch sinh thái.

Phân khu 6: Phân khu dân cư, du lịch sinh thái. Tính chất là khu dân cư hiện hữu, cải tạo chỉnh trang kết hợp khu du lịch sinh thái.

Phân khu 7: Phân khu sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà. Tính chất là khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.

Các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện: Tổ chức lập và hoàn thành các quy hoạch phân khu xây dựng; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính trong đô thị mới Cam Lâm. Xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các hạng mục trọng tâm.

Đồng thời xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu đại dương… Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp... trong giai đoạn quy hoạch. Xây dựng các công trình tiện ích xã hội: y tế, giáo dục, thể dục thể thao, trung tâm thương mại… phù hợp với giai đoạn phát triển.

Thận trọng vấn đề đánh giá tác động môi trường, di dân

Tại Hội nghị, các phản biện và thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện đồ án. Liên quan đến động lực phát triển đô thị, làm rõ hơn tính chất du lịch nghỉ dưỡng trog phạm vi quốc gia và khu vực, với thế giới; làm rõ hơn các vấn đề dự báo dân số; xác định các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy chuẩn, trong đó làm rõ các yếu tố đặc thù mang tính địa phương; các khu vực liên quan đến hệ thống kênh, mặt nước và cây xanh, làm rõ hơn mặt cắt của các khu vực thay đổi cốt nền; những khu vực giữ lại thì có các giải pháp hài hoà giữa không gian cũ và mới; vấn đề ổn định bờ cát, dòng chảy và thoát lũ…

Các thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu góp ý cho đồ án.

Một số ý kiến cũng đề cập vấn đề khái toán, dự toán kinh phí đầu tư, làm rõ kế hoạch, tiến độ và sự đồng thuận của người dân đối với các khu vực giải toả, tái định cư; hoàn thiện, hiệu chỉnh hệ thống ký hiệu, bảng biểu…; dẫn chiếu các trang mục cho chính xác.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch Hội đồng, đánh giá cao tính khả thi của phương án lần này so với phương án trước đó; đồ án cũng đã xem xét vị trí, vai trò của đô thị Cam Lâm trong mối quan hệ tổng thể; xác định lại tính chất đô thị, vị trí, vai trò của đô thị Cam Lâm.

Đồ án cũng đã xem xét vấn đề môi trường, vấn đề di dân, cũng như xác định nguồn lực cho phát triển…; làm rõ hơn một số vấn đề lớn, như chức năng đô thị, các hạng lục kết nối; kế thừa hạ tầng khung kết nối; đã rà soát lại vấn đề dân cư để có phương án phù hợp hơn; có định hướng cho các chỉ tiêu cơ bản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để khẳng định tính khả thi, đồ án cần xác định lại các số liệu hiện trạng, về đất đai, mặt nước, môi trường; xác định rõ hơn, chính xác hơn phạm vi ranh giới; thực hiện rà soát các quy hoạch chuyên ngành, xem xét động lực phù hợp cho phát triển.

Đồng thời cần xác định rõ hơn tính đặc thù của các phân khu; lí giải việc tăng quy mô dân số cần rõ ràng hơn, xuất phát từ lí do kinh tế; lưu ý vấn đề chức năng của kênh dẫn nước, đầm Thuỷ Triều, tính toán hợp lý nguồn lực thực hiện quy hoạch, phân kỳ đầu tư.

Tuấn Đông

Nguồn: https://tapchixaydung.vn/

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Fanpage